NGHỊ LUẬN XÃ HỘI | HÃY SỐNG LÀ NGƯỜI TỬ TẾ

Ngày 12/08/2021 09:29:45, lượt xem: 3241

Đề bài:
"Kết thúc năm học 2018 - 2019, thầy giáo Đỗ Đức Anh (giáo viên Ngữ văn trường THPT Bù Thị Xuân, quận 1 - thành phố Hồ Chí Minh) đã giao cho các em học sinh ”bài tập về nhà” rất đặc biệt.
Bài tập đó gồm 6 câu với câu số 6 là:
"Hãy luôn là một người tử tế và hạnh phúc."
Từ bài tập trên của thầy, em hãy viết một bài văn ngắn với đề tài: Người tử tế.
( Kỳ thi chọn HSG huyện năm học 2019 - 2020 - Phòng GD&ĐT Đô Lương )

 


Bài làm

Tôi đã từng nghe được một câu nói rất hay rằng: “Hãy sống sao cho đến khi chết đi, người ta đi qua ngôi mộ mình, họ không trách, họ bảo: đó là ngôi mộ của một người tử tế”. Sống tử tế là một trong những đức tính cao quý và cần thiết, nhằm giúp cho các mối quan hệ thân hữu được dễ dàng hiểu và thương kính nhau nhiều hơn. Sống tử tế chính là thái độ ứng xử bằng cái tâm trung thực, thủy chung trước sau như một, đồng thời lối sống này là yếu tố then chốt để tạo ra niềm tin vững chắc giữa các mối quan hệ giữa người với người. Người tử tế thường biết đối xử đúng mực với những người xung quanh, biết giữ lời hứa, biết giúp đỡ những người gặp nạn, có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đó cũng là những người có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống văn hóa lành mạnh. Trên thực tế, không có một định nghĩa chính xác hay cụ thể nào về sự “tử tế”. Sống tử tế đôi khi chỉ là những hành động nhỏ thường ngày như vứt rác đúng chỗ, không vượt đèn đỏ hay dắt cụ già, em nhỏ qua đường... Đó cũng có thể là hành động lớn hơn như kêu gọi bảo vệ môi trường, thành lập tổ chức từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn... Nhưng điều quan trọng hơn cả, việc làm đó xuất phát từ một cách nghĩ đẹp, một lối sống văn minh, “tử tế” với chính mình và với những người xung quanh. Một chuyến xe miễn phí đưa người bệnh về nhà, nó đáng giá bao nhiêu? Chắc chắn không rẻ đối với những gia đình nghèo còn chạy ăn từng bữa. Nhưng nó là vô giá đối với những tấm lòng thực tâm thiện nguyện. Ai bắt họ phải làm việc đó? Không ai cả. Nhưng những gì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không”? Sống là cho đi và lan tỏa điều ấy, thay vì giữ cho mình những thứ phù du. Làm người tử tế, trước hết là một công dân tốt, có ích cho xã hội. Nhưng người tử tế cũng không đồng nghĩa với sự vô cảm, bàng quan, thậm chí thỏa hiệp trước cái xấu. Ngày mai, luôn bắt đầu từ ngày hôm nay, từ những điều nhỏ nhoi thôi, để ta luôn nhớ, điều tử tế luôn xuất hiện mỗi ngày…

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan